ĐẠI CƯƠNG VỀ LOÉT TIẾU ĐƯỜNG

Người bệnh đái tháo đường khi bị tổn thương loét bàn chân có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 10-15 lần so với người bình thường. Đặc biệt, khi bị bội nhiễm, tổn thương loét làm tăng nguy cơ cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, hầu hết các tổn thương này đều có thể phòng ngừa được nếu người bệnh biết cách chăm sóc biến chứng loét tiểu đường.

❖ Khái niệm, nguyên nhân

– Khái niệm: Loét là những tổn thương da mà không liền theo quy trình liền thương thông thường mà thường kéo dài hơn. Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ loét cao nhất ở chân và bàn chân, tuy nhiên, đôi khi cũng gặp ở những vị trí khác như bàn tay hay ở những nếp gấp của da.

– Nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân gây ra loét tiểu đường. Một trong những nguyên nhân chính là do lượng đường trong máu cao kéo dài làm tổn thương thần kinh và mạch máu của người bệnh. Điều này làm giảm lưu thông máu đặc biệt là lưu thông máu ngoại vi như ở khu vực bàn tay, chân, do đó người bệnh dễ bị nhiễm trùng, tổn thương khi có chấn thương hay tác nhân tác động.

Thần kinh bị tổn thương nên người bệnh thường bị mất cảm giác đau hoặc khó cảm nhận thấy đau hay những triệu chứng của loét, nhiễm trùng.

Loét tiểu đường là bệnh nguy hiểm vì nó dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như nhiễm trùng, hoại tử, có thể phải cắt bỏ chi, tháo khớp.

❖ Điều trị loét tiểu đường

Người bệnh có thể ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng vết loét và tình trạng vết loét lan rộng nếu thực hiện tốt các bước sau đây:

– Rửa sạch vết loét hàng ngày: sử dụng xà phòng và nước hoặc nước muối sinh lý để rửa sạch vết loét, hoặc sử dụng dung dịch chuyên dụng do bác sĩ kê đơn. Không sử dụng hydrogen peroxide hay ngâm vết loét trong bồn tắm hay rửa với áp lực mạnh vì có thể làm giảm thời gian liền thương cũng như tăng nguy cơ nhiễm trùng.

– Băng vết loét bằng băng gạc chuyên dụng: Nên sử dụng băng gạc tiên tiến như foam, alginate,…để băng vết loét. Loại gạc tiên tiến này giúp bảo vệ, ngăn ngừa vết loét khỏi các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài và thấm hút dịch tốt, duy trì môi trường ẩm cho vết loét, kích thích mô hạt phát triển làm quá trình liền thương diễn ra nhanh hơn.

– Hạn chế tỳ đè lên vùng loét: Với vết loét ở bàn chân, người bệnh nên mang nạng, giày dép chuyên dụng, nẹp hoặc các biện pháp làm giảm áp lực lên bàn chân như bó bột toàn chân,…

– Tuân thủ các chỉ định của bác sĩ: người bệnh nên tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ về việc dùng thuốc cũng như các biện pháp chăm sóc da, vết loét.

– Kiểm soát lượng đường trong máu: Để giảm các biến chứng do loét gây ra, người bệnh nên duy trì lượng đường máu ở hạn định cho phép.

– Kết hợp với các điều trị khác: Nếu vết loét kéo dài một tháng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng lan vào xương thì nên kết hợp những phương thức điều trị khác như phẫu thuật và liệu pháp oxy nồng độ cao.

❖ Phòng ngừa vết loét

Có nhiều biện pháp giúp ngăn ngừa vết loét ở người bệnh tiểu đường. Dưới đây là những nguyên tắc cơ bản nhất giúp người bệnh có thể hạn chế nguy cơ loét xảy ra.

– Kiểm soát lượng đường máu: Kiểm soát tốt lượng đường máu là cách tốt nhất để ngăn ngừa loét hay tình trạng loét diễn biến nặng hơn. Nếu bạn thấy lượng đường máu tăng dù vẫn tuân thủ các chế độ đã được hướng dẫn hãy đi khám và xin tư vấn của bác sĩ. Cho dù, lượng đường máu của bạn vẫn duy trì ổn định, bạn cũng nên đi khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

– Chăm sóc, kiểm tra da bạn hàng ngày, đặc biệt chú ý chăm sóc bàn chân: Đảm bảo da được giữ sạch, dưỡng ẩm hàng ngày, hạn chế lực tác động mạnh lên da. Thường xuyên quan sát, kiểm tra da, đặc biệt là bàn chân vì hầu hết các vết loét tiểu đường xuất hiện ở bàn chân. Nếu bạn không tự kiểm tra được, hãy nhờ người thân giúp đỡ hoặc sử dụng gương soi hỗ trợ. Khi thấy những bất thường như mụn nước, vết cắt, xước, sưng, đỏ, đốm trắng, vết chai, đổi màu,…hay mất cảm giác đau, nhiệt độ da thay đổi,…nên đi khám bác sĩ, đó có thể là những dấu hiệu sớm của loét.

– Không hút thuốc: Hút thuốc ảnh hưởng xấu đến mạch máu của bạn, làm giảm lưu thông máu và làm vết thương chậm liền. Điều này là tăng nguy cơ bị loét hay làm tình trạng loét nặng hơn.

– Không đi chân trần: Những chấn thương ở ngón cái hay bàn chân có thể làm tăng nguy cơ bị loét. Mang giày, dép mềm phù hợp giúp bảo vệ bàn chân và hạn chế nguy cơ loét bàn chân.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *