GẠC TIÊN TIẾN TRONG CHĂM SÓC VẾT LOÉT TỲ ĐÈ

Loét tỳ đè rất dễ xuất hiện nếu không biết chăm sóc bệnh nhân đúng cách. Thực tế, việc điều trị tình trạng loét do tỳ đè không phải là một việc dễ dàng bởi hầu hết các nguyên nhân gây ra loét đều do ảnh hưởng chức năng của một số cơ quan trong cơ thể.

➤ Khái niệm

Loét tỳ đè là một loại đặc biệt của loét do máu cung cấp không đủ và dinh dưỡng của tổ chức kém, nguyên nhân do đè quá lâu, chủ yếu lên tổ chức xương và sụn. Phần da ở vùng xương cùng và hông là nơi hay bị loét nhất, nhưng loét do nằm lâu cũng có thể xảy ra ở vùng chẩm, tai, khuỷu tay, gót chân và cổ chân. Bệnh xuất hiện rất nhanh ở bệnh nhân có tuổi, bị liệt, bị suy nhược, bất tỉnh.

➤ Phân loại

Loét tỳ đè được chia thành 4 giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Tổn thương lớp thượng bì, da bị đỏ, còn nguyên vẹn, khi dùng ngoại lực ấn vào, da chuyển sang màu trắng.

– Giai đoạn 2: Tổn thương lớp thượng bì, trung bì, vết loét nông, nhìn như vết trầy hay phồng rộp, chưa có mô hoại tử.

– Giai đoạn 3: Tổn thương lớp thượng bì, trung bì và hạ bì, mất toàn bộ lớp da, có thể thấy mô mỡ dưới da nhưng không lộ xương, gân hay cơ. Vết loét có thể bị bao phủ bởi lớp hoại tử khô, đen, tiếp giáp với các mô khỏe mạnh, có thể xuất hiện đường hầm và lỗ rò.

– Giai đoạn 4: Tổn thương ăn sâu xuống lớp gân cơ, để lộ xương, đôi khi tạo nhiều ngóc ngách. Đáy vết loét có mô hoại tử màu vàng hoặc xám.

– Một số trường hợp loét tỳ đè không thể phân giai đoạn như trường hợp ổ loét được phủ bởi lớp tế bào chết hay hoại tử xuất tiết có màu vàng xám hoặc nâu đen do không thể thấy được độ sâu của ổ loét.

➤ Điều trị, chăm sóc

Bước đầu tiên trong điều trị, chăm sóc vết loét tỳ đè là đánh giá mức độ loét và tình trạng toàn thân của người bệnh, bao gồm cả tình trạng dinh dưỡng. Dựa trên cơ sở đó, nhân viên y tế sẽ đưa ra những phác đồ điều trị, chăm sóc phù hợp. Tuy nhiên, dù điều trị theo phương thức nào thì cũng cần phải đáp ứng những nguyên tắc sau:

– Chăm sóc toàn trạng người bệnh:

+ Nâng cao thể trạng: đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bệnh bao gồm đủ năng lượng, đủ thành phần dinh dưỡng đặc biệt là protein, vitamin, khoáng chất và nước.

– Chăm sóc vết loét:

Hạn chế tỳ đè lên vùng loét nhiều nhất có thể nhằm ngăn ngừa tình trạng loét trở nên trầm trọng hơn.

Tạo môi trường tối ưu cho vết thương: vết loét được cung cấp môi trường ẩm phù hợp cho liền thương, hạn chế tối đa số lượng vi sinh vật ở khu vực vết loét, trao đổi khí ở vết loét được diễn ra bình thường,…

Chăm sóc vết loét tại chỗ đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy liền thương. Với các vết loét có mô hoại tử đen hoặc vàng thì cần phải được loại bỏ, làm sạch. Với các vết loét khô thì cần bù nước, với vết loét ẩm, nhiều dịch thì cần thấm hút dịch. Với các vết loét có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì cần sử dụng các chất kháng khuẩn. Dựa vào từng đặc tính, từng giai đoạn khác nhau của vết loét mà nhân viên y tế sẽ lựa chọn phương thức chăm sóc thích hợp. Nhưng dù là chăm sóc theo phương thức nào thì cũng không thể bỏ qua một vật dụng rất quan trọng trong chăm sóc vết thương, đó chính là gạc.

Một vết loét không chỉ sử dụng duy nhất một loại gạc mà phụ thuộc vào tình trạng thực tế của từng vết loét để lựa chọn loại gạc phù hợp. Dưới đây là một số gợi ý về ứng dụng của gạc cho từng loại vết loét khác nhau như sau:

Với vết loét nông, ít dịch, không nhiễm khuẩn nên sử dụng gạc hydrocolloid. Gạc hydrocolloid vừa có tác dụng ngăn nước, vi sinh vật xâm nhập vào vết thương, vừa giúp duy trì môi trường ẩm, thúc đẩy liền thương, loại bỏ mô chết và hạn chế nguy cơ hình thành sẹo cho vết loét.

Vết loét nông, nhiều dịch, không nhiễm trùng người bệnh nên sử dụng gạc foam để che phủ vết thương. Gạc foam không chỉ có tác dụng ngăn nước, vi sinh vật có hại xâm nhập mà còn có khả năng thấm hút, giữ dịch tốt (giúp giảm số lần thay gạc), duy trì môi trường ẩm, cho phép trao đổi oxy, không dính vào vết thương nên không gây đau, tổn thương thứ cấp mỗi lần thay gạc.

Với vết loét sâu, ít dịch, không có dấu hiệu nhiễm trùng nhưng có lớp hoại tử: người bệnh nên sử dụng gạc hydrogel dạng kem, sau đó sử dụng gạc hydrocolloid hoặc gạc foam bao phủ bên ngoài.

Vết loét sâu, có đường hầm, nhiều dịch, không có dấu hiệu nhiễm trùng: gạc alginate dạng cuộn là lựa chọn tốt nhất. Người bệnh đưa gạc vào sâu trong vết thương, sau đó cố định bên ngoài bằng bằng gạc foam. Gạc alginate được chiết xuất từ rong biển nâu, có khả năng thấm hút rất tốt và đặc biệt là gạc nhanh chóng chuyển thành dạng gel ngay khi tiếp xúc với dịch vết thương, nhờ vậy cung cấp được môi trường ẩm cho vết loét nhanh liền. Bên cạnh đó, gạc alginate còn có khả năng cầm máu ở những mao mạch nhỏ và giúp loại bỏ các mô hoại tử mỗi lần thay gạc.

Với vết loét nông, tiết dịch nhiều, có dấu hiệu nhiễm trùng nên sử dụng gạc foam có tẩm ion bạc. Loại gạc này vừa có khả năng thấm hút dịch tốt, vừa có khả năng kháng khuẩn, hỗ trợ điều trị tại chỗ.

Với vết loét sâu, nhiều dịch, có nhiễm trùng nên sử dụng gạc alginate tẩm ion bạc. Gạc alginate tẩm bạc vừa mang đầy đủ tính chất của gạc alginate thông thường, vừa có khả năng kháng khuẩn, giúp điều trị vết loét tại chỗ.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *