Nhiễm trùng vết thương là tình trạng vết thương bị nhiễm khuẩn, hậu quả là vết thương lâu lành, có thể để lại một số biến chứng như sẹo lồi hoặc lõm.
Vết thương nào cũng có một lượng vi khuẩn nhất định, nhưng chỉ có một số vết thương bị nhiễm trùng. Vậy dựa vào cơ sở nào để chấn đoán vết thương bị nhiễm trùng và cách xử trí với loại vết thương này ra sao? Bài viết dưới đây xin chia sẻ một số thông tin để trả lời cho hai câu hỏi trên như sau:
1. Định nghĩa, phân loại
– Vết thương nhiễm trùng là những vết thương có sự xâm nhập của vi khuẩn với số lượng nhất định đủ để gây ra những triệu chứng nhiễm trùng như sưng nóng, đỏ đau, có dịch rỉ viêm, mủ hoặc tổ chức hoại tử.
– Có hai loại nhiễm trùng vết thương: nhiễm trùng nông (nhiễm trùng ở trên lớp cân), nhiễm trùng sâu (nhiễm trùng dưới lớp cân).
2. Nguồn gốc vi khuẩn
– Có sẵn trong cơ thể: thường gặp nhất là các vi khuẩn ở bề mặt da hay thường trú ở lớp niêm mạc.
– Từ cơ quan bị nhiễm trùng, ví dụ như nhiễm trùng vết mổ của viêm ruột thừa. Vi khuẩn tìm thấy ở ruột thừa là nguyên nhân nhiễm trùng vết mổ.
– Từ môi trường bên ngoài: phòng mổ, dụng cụ, thao tác kỹ thuật không đảm bảo vô trùng,…
3. Tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm trùng vết thương
3.1 Nhiễm trùng nông
Nhiễm trùng xảy ra trong vòng 30 ngày sau khi bị vết thương của lớp da hay dưới da nằm trên cân được biểu hiện bằng:
– Mủ chảy ra từ vết thương hay nơi dẫn lưu.
– Vết thương được đóng kín nhưng dịch tiết có vi khuẩn.
– Phẫu thuật viên phải mở vết thương vì bệnh nhân có sốt hay sưng đau dù cấy dịch vết thương không có vi khuẩn.
3.2 Nhiễm trùng sâu
Do nhiễm trùng nông ăn sâu xuống lớp cân của mô mềm, biểu hiện bằng:
– Phải mở vết thương vì bệnh nhân sốt, sưng đau dù cấy dịch không có vi khuẩn mọc.
– Có ổ áp xe hay biểu hiện nhiễm trùng khi khám, mổ hay xét nghiệm mô học.
– Chụp X- quang hoặc CT nếu vết thương ở mô sâu hoặc có dị vật trong vết thương.
4. Điều trị
Tùy vào mức độ nặng nhẹ, vị trí của vết thương, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà có phương pháp điều trị, chăm sóc khác nhau. Nhìn chung, sẽ cần sử dụng một số liệu pháp điều trị sau:
– Thuốc: thuốc điều trị nhiễm trùng, giảm đau, sưng.
– Sử dụng gạc có khả năng thấm hút dịch tốt như foam, alginate, hydrofiber. Không chỉ vậy, những loại gạc này còn tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức hạt phát triển, giúp quá trình liền thương nhanh hơn.
– Thường xuyên vệ sinh sạch vết thương bằng nước muối sinh lý và dung dịch sát khuẩn. – Có thể sử dụng liệu pháp oxy hyperbaric (HBO) để tăng oxy cho các mô, giúp chúng lành nhanh hơn.
– Sử dụng phương pháp phẫu thuật để làm sạch vết thương hoặc loại bỏ các mô hoại tử, nhiễm trùng. Phẫu thuật cũng cần thiết để loại bỏ dị vật.
– Ăn thực phẩm giàu protein, vitamin, và khoáng chất.
– Tránh căng thẳng, không hút thuốc, sử dụng các chất kích thích vì đây là những yếu tố làm vết thương chậm lành.
– Quản lý tốt các bệnh nền như tiểu đường, cao huyết áp, suy giãn tĩnh mạch,…