Suy tĩnh mạch mãn tính là tình trạng suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới do suy các van tĩnh mạch sâu, có thể kèm theo thuyên tắc tĩnh mạch hoặc không.
Giãn tĩnh mạch: Là biến đổi bất thường về giải phẫu, đặc trưng bởi sự giãn bệnh lý của một hoặc nhiều tĩnh mạch nông.
Loét tĩnh mạch là biểu hiện nặng của bệnh lý tĩnh mạch chi dưới, là hậu quả của rối loạn chức năng van tĩnh mạch và tăng áp lực tĩnh mạch chi dưới thường xuyên. Loét tĩnh mạch là loại loét hay gặp nhất trong các loại loét ở chi dưới, chiếm 80-90% tổng số trường hợp.
Yếu tố nguy cơ
– Người có rối loạn chức năng van: béo phì, phụ nữ mang thai, viêm tĩnh mạch, huyết khối, người cao tuổi,…
– Người có giảm sức co bóp cơ chân: lối sống ít vận động, đứng lâu, tuổi cao, bệnh lý gây giảm vận động như yếu, liệt, viêm khớp,…
– Người có yếu tố ngăn cản lành thương: hút thuốc lá, tiểu đường, suy dinh dưỡng,…
Dấu hiệu lâm sàng
– Vị trí thường gặp là xung quanh mắt cá trong, thường đi kèm chàm hóa, tăng sắc tố 1/3 dưới chân.
– Vết loét bờ không đều, đáy hồng + mô hạt dưới mảng mục xanh, rỉ nhiều dịch, có thể rỉ mủ và đau nhiều nếu kèm nhiễm trùng.
Phòng ngừa
Do chi phí điều trị tốn kém, thời gian điều trị thường kéo dài (trung bình 3 tháng) và dễ tái phái nên việc phòng ngừa bệnh là việc làm quan trọng.
– Da vùng loét sau khi lành khá mỏng, không khỏe mạnh như da bình thường nên cần được bảo vệ và tránh các va chạm, chấn thương dù là va chạm hay chấn thương nhỏ.
– Người bệnh nên giữ ấm chân vào mùa đông để tránh trường hợp bị loét do lạnh.
– Nên mang vớ tăng áp lực để phòng ngừa tái loét. Mức độ áp lực của vớ là bao nhiêu thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
– Người bệnh nên nằm kê cao chân 2 lần/ngày, mỗi lần kéo dài 1-2h, kê cao chân cả lúc ngủ. Nếu ngồi lâu, người bệnh nên ngồi ở tư thế kê cao chân, gập duỗi cổ chân thường xuyên.
– Cân nhắc phẫu thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch nông để ngăn ngừa loét tái phát.
– Người bệnh nên bỏ thuốc, hạn chế rượu bia và kiểm tra chân thường xuyên để tìm kiếm sự thay đổi màu sắc hay vết nứt trên da.