Theo thống kê, khoảng 25% bệnh nhân đái tháo đường có các vấn đề về bàn chân và nguy cơ bị đoạn chi ở bệnh nhân đái tháo đường cũng cao gấp 15-46 lần so với người không bị bệnh.
✦ Định nghĩa
Bàn chân đái tháo đường được Tổ chức y tế thế giới định nghĩa là bàn chân của người bệnh đái tháo đường với loét, nhiễm trùng và/hoặc phá hủy mô sâu, kết hợp với bất thường thần kinh và các mức độ khác nhau của bệnh mạch máu ngoại biên ở chi dưới.
✦ Nguyên nhân loét bàn chân đái tháo đường
– Tổn thương thần kinh
Một trong những nguyên nhân gây loét chân ở bệnh nhân đái tháo đường là tổn thương thần kinh. Biểu hiện bằng giảm hoặc mất cảm giác, dị cảm, cảm giác bỏng rát hoặc nóng ran ở bàn chân, yếu cơ, teo cơ, giảm tiết mồ hôi và khô da, có khi da dày lên, nứt nẻ, dễ bị nhiễm trùng dẫn tới loét hoại tử.
Tình trạng bệnh lý thần kinh của người tiểu đường sẽ nặng lên nhiều nếu họ nghiện rượu hoặc suy giảm chức năng thận gây tăng ure máu.
– Biến chứng mạch máu ngoại vi
Bên cạnh nguyên nhân do tổn thương thần kinh, bệnh lý mạch máu ngoại vi cũng là nguyên nhân gây ra những vết loét ở bệnh nhân đái tháo đường. Bệnh lý này gây tổn thương ở những mạch máu nhỏ, hẹp làm giới hạn dòng máu đến chân, làm cho da trở nên khô, nứt nẻ, có màu tím sẫm, tê bì và có thể bị lạnh bàn chân, mất mạch mu bàn chân, hay đau cách hồi.
– Nhiễm trùng
Do lượng đường trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường cao hơn bình thường, chức năng của bạch cầu trong máu bị hạn chế, hệ thống miễn dịch bị giảm sút vì vậy chỉ cần một vết thương nhỏ cũng rất dễ nhiễm trùng. Không chỉ vậy, việc điều trị nhiễm trùng bàn chân đái tháo đường thường rất tốn kém do bệnh nhân không chỉ bị nhiễm trùng thông thường mà còn kèm theo tổn thương thần kinh, tổn thương động mạch dẫn tới việc điều trị thường rất khó khăn.
✦ Cách phòng ngừa
– Người bệnh tiểu đường nên thường xuyên kiểm tra chân, nhất là ở những vị trí dễ tổn thương như lòng bàn chân, kẽ ngón chân nhằm phát hiện sớm những bất thường để can thiệp, chăm sóc kịp thời.
– Nên cắt tỉa móng chân sạch sẽ, vệ sinh bàn chân hàng ngày, sau đó lau khô và bôi kem dưỡng ẩm để làm mềm da. Lưu ý, không được bôi vào các kẽ ngón chân.
– Không đi chân đất, dày dép quá chật hay quá rộng dễ dẫn tới hạn chế lưu thông máu bàn chân hoặc biến dạng chi, cơ hội cho vết loét dễ xuất hiện hơn. Khi đi giầy nên mang theo tất, tránh đi giầy chân trần, ngay cả trong thời gian ngắn.
– Kiểm soát tốt đường huyết, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bệnh.
– Chú ý giảm tải áp lực mạnh lên bàn chân, hạn chế đi giầy kéo dài để tránh áp lực cao duy trì trên cùng một chỗ của bàn chân.
– Tránh đặt bàn chân lên trên nguồn nhiệt, nên thử nhiệt độ nước trước khi tắm bằng cách sử dụng khuỷu tay, nhiệt độ nước nên thấp hơn 37 độ C.
✦ Chăm sóc bàn chân tiểu đường bằng các loại gạc tiên tiến
Sử dụng băng gạc để chăm sóc vết loét tại chỗ đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị. Nếu như trước kia, chúng ta chỉ sử dụng gạc cotton để che phủ vết loét thì ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, trên thị trường đã xuất hiện rất nhiều loại gạc tiên tiến, không chỉ có tác dụng che phủ, bảo vệ vết loét, mà còn có tác dụng điều trị, thúc đẩy quá trình liền thương.
Với mỗi một vết loét khác nhau sẽ có loại gạc đặc hiệu riêng. Do đó, nhân viên y tế cần đánh giá đúng tình trạng của vết loét để chọn được loại gạc phù hợp cho từng giai đoạn, đặc điểm, tính chất của vết loét.
Bài viết xin đưa ra một số gợi ý về cách sử dụng gạc cho từng loại vết loét riêng biệt như sau:
– Vết loét có mảng hoại tử khô, bong tróc nên sử dụng gạc hydrogel để che phủ vết thương. Gạc hydrogel giúp làm mềm các mô hoại tử khô, do đó dễ dàng loại bỏ mô hoại tử mỗi lần thay gạc mà không cần phải cắt lọc.
– Vết loét nông, ít dịch, có mảng mục nên sử dụng gạc hydrocolloid. Gạc hydrocolloid vừa cung cấp môi trường ẩm cho vết thương, vừa giúp loại bỏ các mảng mục cho vết thương mỗi lần thay gạc.
– Vết loét có dấu hiệu nhiễm trùng nên sử dụng gạc foam tẩm bạc với vết loét có độ sâu vừa phải, sử dụng gạc alginate tẩm bạc với vết loét sâu, có đường hầm.
– Với vết loét nông, ít dịch, người bệnh nên sử dụng gạc film, foam hoặc hydrocolloid.
– Với vết loét tiết nhiều dịch, không nhiễm trùng, người bệnh nên sử dụng gạc foam nếu vết loét có độ sâu vừa phải, sử dụng gạc alginate dạng cuộn nếu vết loét sâu, có đường hầm.
– Vết loét phẳng, tiết ít dịch nên sử dụng gạc film hoặc hydrocolloid.
– Vết loét phẳng tiết dịch nhiều nên sử dụng gạc foam.