CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUÁ TRÌNH LIỀN THƯƠNG

Quá trình liền thương được kích hoạt ngay sau khi cơ thể bị thương. Quá trình này gồm 4 giai đoạn (cầm máu, viêm, tăng sinh, tái tạo) và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau.

1. Yếu tố tại chỗ

– Môi trường vết thương: Môi trường ẩm giúp quá trình liền thương diễn ra nhanh và ít bị đau hơn môi trường khô do các tế bào dễ dàng phát triển và sinh sản trong môi trường ẩm hơn. Vì vậy, việc duy trì môi trường ẩm tại vết thương đóng vai trò quan trọng trong liền thương. Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường vết thương, các nhà nghiên cứu đã phát minh ra những loại băng gạc vừa có tác dụng thấm hút dịch tốt, vừa giúp duy trì môi trường ẩm phù hợp cho quá trình liền thương như foam, alginate, hydrocolloid.

– Nhiễm trùng, hoại tử: Khi vết thương bị nhiễm trùng, hoại tử sẽ làm giai đoạn viêm, tăng sinh trong quy trình liền thương kéo dài hơn từ đó làm chậm quá trình liền thương.

– Tỳ đè: Vết thương bị tỳ đè trong thời gian dài sẽ làm giảm lưu thông máu quanh khu vực vết thương, điều này làm cản trở nguồn cung cấp dinh dưỡng cho quá trình liền thương, do đó thời gian liền thương cũng sẽ kéo dài hơn.

– Tổn thương thứ cấp: Những tổn thương thứ cấp do dính băng gạc gây ra có thể làm chậm quá trình liền thương. Do đó, việc lựa chọn băng gạc phù hợp rất quan trọng trong chăm sóc vết thương. Người bệnh nên chọn các loại băng gạc tiên tiến không bám dính vào vết thương như foam, hydrocolloid, alginate, film.

2. Yếu tố toàn thân

– Tuổi: tuổi càng cao thì thời gian liền thương càng kéo dài hơn. Nghiên cứu cho thấy, vết thương ở người cao tuổi chậm phục hồi hơn so với người trẻ do phản ứng viêm ở người cao tuổi bị biến đổi và việc cung cấp dinh dưỡng ở người cao tuổi cũng kém hơn người trẻ.

– Bệnh mãn tính: vết thương ở những người có kèm bệnh nền như tiểu đường, ung thư, cao huyết áp,…thường lâu lành hơn so với người khỏe mạnh.

– Dinh dưỡng: Cơ thể người bệnh cần cung cấp đầy đủ carbohydrat, protein, lipid, vitamin và khoáng chất để tồn tại và phát triển, đặc biệt khi cơ thể bị thương thì nhu cầu này lại càng cao hơn. Nếu nhu cầu về dinh dưỡng không được đáp ứng đầy đủ, quá trình liền thương sẽ diễn ra chậm hơn.

– Chế độ sinh hoạt: Người bệnh có chế độ sinh hoạt không lành mạnh như thức khuya, uống rượu, hút thuốc, thường xuyên bị căng thẳng cũng làm chậm quá trình liền thương.

– Thuốc: Một số loại thuốc như steroid, glucocorticoid, ibuprofen, hay các loại thuốc hóa trị,…có tác dụng phụ là cản trở sự hình thành cục máu đông, phản ứng viêm của cơ thể và hoạt động của tiểu cầu, do đó gây ảnh hưởng đến quá trình liền thương, làm thời gian liền thương kéo dài hơn.

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *