BĂNG GẠC TIÊN TIẾN TRONG CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG

Để chăm sóc vết thương được hiệu quả, điều dưỡng cần phải hiểu rõ quy trình liền thương cũng như có kiến thức về các loại gạc trong chăm sóc vết thương. Việc lựa chọn đúng băng gạc phù hợp với từng giai đoạn tiến triển của vết thương đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình lành vết thương, đặc biệt là ở các vết thương mãn tính.

 

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại băng, gạc khác nhau được sử dụng trong điều trị, chăm sóc vết thương. Bài viết này xin được giới thiệu tổng quan về một số nhóm băng gạc và các ứng dụng của nó.

1. Gạc hydrocolloid

Loại gạc này được tạo thành từ gelatin, pectin, polysaccharides hoặc sodium carboxymethylcellulose và có nhiều dạng khác nhau như dạng bột, gel hay miếng. Điểm đặc biệt của loại gạc này là khi tiếp xúc với vết thương, các thành phần của gạc sẽ tạo gel với dịch của vết thương giúp duy trì môi trường ẩm phù hợp cho quá trình liền thương và ngăn ngừa vi sinh vật phát triển. Gạc hydrocolloid được sử dụng cho các loại vết thương sạch, khô, ít dịch, độ sâu trung bình như vết xước da, hay các vết thương mãn tính ở giai đoạn lên mô hạt và giai đoạn biểu bì hóa. Không sử dụng gạc hydrocolloid cho các vết thương tiết dịch nhiều, vết bỏng, vết thương nhiễm trùng, vết thương dày, sâu, nhiều ngách, đường hầm.

2. Gạc alginate

Gạc alginate được tạo từ các sợi calcium alginate không dệt, mềm chiết xuất từ rong biển nâu và có nhiều dạng khác nhau như dạng miếng hoặc sợi. Loại gạc này có khả năng thấm hút dịch cao gấp 15-20 lần trọng lượng của gạc. Khi tiếp xúc với dịch vết thương, gạc tạo thành một màng gel sinh học giúp duy trì môi trường ẩm và kích thích quá trình phát triển mô hạt, giúp vết thương liền nhanh hơn. Gạc Alginate được dùng cho các vết thương mãn tính, tiết nhiều dịch. Không sử dụng gạc cho các vết thương khô, ít dịch, vết thương cấy ghép phẫu thuật, bỏng độ 3.

3. Gạc foam (gạc xốp)

Gạc xốp hầu hết được cấu tạo từ polyurethane ưa nước, có khả năng thấm hút và giữ dịch cao. Nó có thể được tẩm hoặc phủ cùng với những vật liệu khác tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Loại gạc này không dính vào vết thương, dễ dàng loại bỏ mà không gây đau. Gạc xốp thường dùng cho những vết thương nhiều dịch, mãn tính, có độ sâu vừa phải, không sử dụng cho các vết thương khô, ít dịch, bỏng độ 3.

4. Gạc làm từ các sợi vải không dệt

Gạc vải không dệt được làm từ các sợi tổng hợp (cotton, polyester hay sợi nhân tạo) ép lại với nhau, nhờ đó khả năng hấp thụ và thấm hút tốt hơn loại vải dệt. Gạc được dùng cho các vết thương nông, khô, ít dịch. Khi thay gạc nên sử dụng nước muối sinh lý tưới ướt gạc trước khi loại bỏ, tránh làm tổn thương mô do gạc dính vào vết thương.

5. Gạc dạng gel

Các sợi gel được cấu tạo từ sodium carboxymethycellulose, có khả năng giữ, kiểm soát dịch vết thương và loại bỏ các mô nhiễm trùng, hoại tử. Dịch vết thương khi được thấm hút vào gạc sẽ tạo thành một lớp gel giúp duy trì môi trường ẩm, tạo điều kiện cho mô hạt phát triển, giúp quá trình liền thương diễn ra nhanh hơn. Loại gạc này được sử dụng cho cả vết thương cấp và mãn tính, các vết bỏng, loét,…Không sử dụng nếu người bệnh bị dị ứng với các thành phần của gạc.

6. Gạc hydrogel

Gạc hydrogel giúp giảm đau, duy trì môi trường ẩm cho vết thương, thúc đẩy quá trình tạo hạt và biểu bì hóa. Loại gạc này được sử dụng cho những vết thương ít dịch, vết thương nhiễm trùng, bỏng nhẹ, vết xước,…Không sử dụng gạc cho những vết thương nhiều dịch do bản thân gạc đã chứa một lượng nước nhất định nên khả năng thấm hút dịch của gạc không cao.

7. Gạc collagen

Gạc collagen có nhiều dạng khác nhau như dạng miếng, bột, gel được chiết xuất từ da, mô của trâu bò, ngựa, nhím, gia cầm hoặc sứa. Loại gạc này thúc đẩy quá trình lắng đọng và hình thành các sợi collagen, mô hạt mới trong vết thương, giúp quá trình liền thương diễn ra nhanh hơn. Gạc collagen sử dụng cho các vết thương phẫu thuật, nhiều dịch, vết thương nhiễm trùng, mãn tính, vết thương có đường hầm. Không sử dụng gạc cho các vết thương khô, bỏng độ 3 và những bệnh nhân dị ứng với collagen.

8. Gạc kháng khuẩn

Gạc kháng khuẩn là loại gạc có tẩm các chất kháng khuẩn như bạc, iodine, chlorhexidine, …Loại gạc này có khả năng diệt khuẩn, giúp giảm hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng. Gạc kháng khuẩn thường sử dụng cho những vết thương lâu liền, nhiễm trùng, nhiều dịch. Không sử dụng gạc cho những bệnh nhân dị ứng với các thành phần của gạc.

Bài viết liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *