DINH DƯỠNG TRONG CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG

Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong chăm sóc vết thương. Nó là nguồn cung cấp nguyên liệu cho việc hình thành tế bào mới cũng như giúp tái tạo và sửa chữa cho các mô bị tổn thương.

Các thành phần dinh dưỡng như carbohydrat, protein, lipid, vitamin, và khoáng chất là những nhu cầu thiết yếu của con người. Tuy nhiên, mỗi một cá nhân sẽ có những nhu cầu khác nhau phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng, tình trạng bệnh lý cũng như tỷ lệ trao đổi của từng người. Bài viết dưới đây xin chia sẻ một số thông tin về nhu cầu dinh dưỡng cho quá trình liền thương ở những người có tổn thương da như sau:

1. Nhu cầu năng lượng

Thông thường, mỗi người sẽ cần khoảng 20-35 calo/kg cân nặng. Nhu cầu này có thể ít hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và cao hơn ở những người mắc bệnh tăng chuyển hóa hay bị thương tổn ở một vùng nào đó của cơ thể. Năng lượng của cơ thể được tạo ra nhờ carbohydrat, protein và lipid trong đó carbohyrat cung cấp khoảng 50%-60% năng lượng cho cơ thể, protein cung cấp khoảng 20%-25% và phần còn lại là nhờ lipid.

2. Protein

Protein là nguyên liệu để hình thành nên tế bào, collagen, proteoglycan, hocmon,…- những yếu tố cần thiết cho quá trình lành vết thương. Khi cơ thể bị thương, nhu cầu về protein sẽ tăng lên. Việc cung cấp không đủ protein sẽ khiến thời gian liền thương diễn ra lâu hơn. Ở người trưởng thành, lượng protein cần cung cấp khoảng 0,8g/kg/24h cho 1 người khỏe mạnh và khoảng 1,25 – 1,5 g/kg/24h cho người bị thương. Do vậy, những người bị tổn thương da nên ăn các loại thực phẩm giàu protein như trứng, sữa, hải sản, các loại hạt,…để quá trình liền thương diễn ra nhanh hơn.

3. Carbohydrat

Carbohydrat khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành glucose – thành phần cung cấp năng lượng chính cho cơ thể bao gồm cả năng lượng cho sự hình thành, phát triển collagen cũng như năng lượng cho quá trình thực bào ở giai đoạn viêm của quy trình liền thương. Việc duy trình nồng độ glucose trong giới hạn cho phép sẽ thúc đẩy quá trình liền thương. Nếu nồng độ glucose vượt quá giới hạn hay thấp hơn giới hạn bình thường sẽ làm quá trình liền thương diễn ra chậm hơn.

Các thực phẩm có hàm lượng carbohydrat cao như bột yến mạch, chuối, khoai lang, củ cải đường,…

4. Lipid

Lipid cần thiết cho sự hình thành và ổn định màng tế bào, không chỉ vậy nó còn tham gia vào các giai đoạn của quá trình liền thương như co mạch, kích thích tiểu cầu và phản ứng viêm.

Có nhiều loại chất béo nhưng chúng ta chỉ nên sử dụng những loại chất béo không bão hòa có nhiều trong các thực phẩm như hạt cải, đậu phộng, oliu, hạt hướng dương, cá thu, cá mòi, cá hồi, hạt óc chó,…

5. Vitamin

Tất cả các vitamin đều cần thiết cho việc tái tạo và sửa chữa các mô vì chúng tham gia vào quá trình trao đổi chất của tế bào. Tuy nhiên, trong giai đoạn liền thương thì nhu cầu vitamin A và C sẽ cao hơn do chúng là những thành phần cấu tạo nên collagen – nhân tố quan trọng trong việc hình thành sẹo và giúp vết thương liền nhanh.

Những thực phẩm giàu vitamin A, C như gan, cà rốt, bí ngô, ớt chuông đỏ, rau bina, đu đủ,…

6. Khoáng chất

Các khoáng chất như kẽm, sắt, đồng đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình liền thương, đặc biệt là kẽm do kẽm tham gia vào quá trình tổng hợp protein, enzym, các chất miễn dịch và collagen.

Ở người có nồng động kẽm bình thường thì không cần phải bổ sung thêm. Bổ sung kẽm chỉ nên được chỉ định khi nồng độ kẽm trong máu giảm và chỉ nên bổ sung trong khỏang 7-10 ngày với liều 220mg/ngày x 2 lần. Việc bổ sung kẽm không đúng sẽ làm gián đoạn hoạt động thực bào và làm giảm nồng độ đồng trong máu.

Các loại thực phẩm giàu kẽm như hàu, cá trích, các loại thịt đỏ, đậu lăng, rau bina,…

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *