CHĂM SÓC VẾT THƯƠNG SAU PHẪU THUẬT

Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến trong y học. Khi cuộc phẫu thuật kết thúc sẽ để lại vết thương, vết thương này gọi là vết thương phẫu thuật. Vết thương phẫu thuật thường được khâu lại bằng chỉ phẫu thuật hoặc bằng các clip kim loại nhằm giữ cho các mép vết thương được liền nhau, giúp quá trình liền thương xảy ra nhanh hơn.

Chăm sóc vết thương phẫu thuật đúng phương pháp đóng vai trò quan trọng trong quá trình lành thương. Làm thế nào để biết được vết thương phẫu thuật có được chăm sóc đúng hay không? Bài viết dưới đây xin chia sẻ một số lưu ý khi chăm sóc loại vết thương này.

1. Vệ sinh vết mổ

Cần vệ sinh sạch vết mổ bằng nước muối sinh lý và dung dịch sát trùng. Đảm bảo vết mổ luôn khô, thoáng. Số lần vệ sinh phụ thuộc vào lượng dịch vết mổ tạo ra. Thông thường, những ngày đầu sau phẫu thuật, vết mổ sẽ được vệ sinh ngày 1 lần, sau đó có thể cách ngày vệ sinh 1 lần, tùy thuộc vào tình trạng vết mổ.

2. Băng gạc

Nên sử dụng băng gạc có độ thấm hút dịch tốt như hydrofiber, alginate nếu vết thương tiết nhiều dịch, sử dụng gạc foam nếu vết thương tiết dịch vừa phải. Các loại gạc này đảm bảo dịch được thấm hút tốt, quá trình trao đổi oxy diễn ra bình thường, hạn chế việc dính gạc vào vết thương nên sẽ không gây đau cho bệnh nhân mỗi lần thay gạc và giúp giảm thiểu số lần phải thay gạc.

3. Chăm sóc chân chỉ

Khi rửa vết thương cần lưu ý khu vực quanh chân chỉ xem có bị tấy, sưng, đỏ không. Chú ý, không kéo chân chỉ thò lên ở mặt da.

Nếu vết thương được khâu bằng chỉ tự tiêu thì chỉ sẽ tự tiêu trong vòng 7-10 ngày. Còn vết thương được khâu bằng chỉ thường thì cần cắt chỉ sau 5-21 ngày. Nếu nhận thấy khu vực quanh chân chỉ sưng, tấy, đỏ, vết thương chảy mủ thì cần tiến hành cắt chỉ cách hoặc cắt toàn bộ chân chỉ để bộc lộ vết thương và rửa vết thương từ bên trong.

4. Dinh dưỡng

Dinh dưỡng là nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình liền thương, như protein là nguyên liệu cấu tạo nên tế bào, prothrmbine, enzyme, hormone, đề kháng của cơ thể,…Sắt, acid folic, vitamin B12,…là những yếu tố cần cho quá trình tạo máu của cơ thể. Vitamin C giúp tăng sức đề kháng, sức bền thành mạch và hấp thụ sắt tốt hơn. Oxy kích thích tế bào hạt phát triển, hình thành fibroblast, collagen. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng là một phần quan trọng không thể thiếu trong việc chăm sóc vết thương.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *