Đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể, trong đó có những biến chứng ở bàn chân. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi, tàn phế của bệnh nhân đái tháo đường.
1. Định nghĩa
Theo tổ chức y tế thế giới, bàn chân đái tháo đường được định nghĩa là bàn chân của người bệnh đái tháo đường với vết loét, nhiễm trùng và/hoặc phá hủy mô sâu, kết hợp với bất thường thần kinh và các mức độ khác nhau của bệnh mạch máu ngoại biên ở chi dưới.
2. Các yếu tố nguy cơ cho loét bàn chân gồm:
– Tiền sử loét bàn chân hay đoạn chi trước đó.
– Bệnh thần kinh ngoại biên.
– Bệnh mạch máu ngoại biên.
– Chấn thương (bảo vệ chân kém, đi chân trần, vật lạ trong giầy).
– Dị dạng bàn chân (đầu xương bàn chân nhô ra, bàn chân móng vuốt, ngón chân hình búa, bàn chân cong vòm, dị dạng móng, dị dạng liên quan đến chấn thương, phẫu thuật trước đó,…).
– Hình thành cục chai sần.
– Bệnh thần kinh xương khớp.
– Giới hạn vận động khớp.
– Đái tháo đường thời gian dài.
– Kiểm soát kém bệnh đái tháo đường.
3. Phân loại mức độ loét bàn chân theo Meggitt-Wagner
– Độ 0: không có các vết thương hở nhưng có thể có biến dạng bàn chân hoặc viêm mô tế bào.
– Độ 1: Loét nông da ở người bị đái tháo đường
– Độ 2: Loét sâu vào đến cân hoặc bao khớp
– Độ 3: Loét sâu với áp xe, viêm xương tủy hoặc viêm khớp nhiễm trùng.
– Độ 4: Hoại thư khu trú ở ngón chân hoặc gót chân.
– Độ 5: Hoại thư lan rộng toàn bộ cẳng chân.
4. Biểu hiện lâm sàng
4.1 Tại chỗ
– Mất cảm giác hoặc cảm giác đau nhẹ, tê, ngứa ran
– Có mụn nước hoặc các vết thương khác mà không cảm thấy đau
– Đổi màu da và thay đổi nhiệt độ cơ thể
– Vết thương có hoặc không có chảy dịch
– Teo cơ, móng quặp
4.2 Toàn thân
– Sốt
– Ớn lạnh
– Không kiểm soát được lượng đường trong máu
– Run rẩy
– Sốc
– Đỏ da
5. Điều trị
– Điều trị không phẫu thuật:
+ Giữ vết thương sạch
+ Đeo các thiết bị chuyên dụng
+ Quan sát, phát hiện sớm những dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử.
+ Sử dụng băng gạc tiên tiến chăm sóc vết thương.
+ Dùng kháng sinh toàn thân, tại chỗ, thuốc cải thiện vi tuần hoàn cục bộ,…
– Điều trị phẫu thuật:
+ Loại bỏ các mô chết
+ Đoạn chi
+ Phẫu thuật ổn định tật bàn chân Charcot
+ Bắc cầu động mạch cho bệnh mạch máu ngoại biên, giúp lưu thông máu đến khu vực chân
+ Phẫu thuật nội mạch với đặt stent. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng các thiết bị nhỏ để giữ cho mạch máu luôn mở.